[Thị trường bất động sản 2016]-Khó có "bong bóng"



Trước hiện tượng các ngân hàng đẩy mạnh chương trình cho vay bất động sản, đã có ý kiến lo ngại lại sẽ xảy ra "bong bóng". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng như người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định khó xảy ra hiện tượng này trong tương lai gần.
Cùng với những chính sách ưu đãi vay từ phía các ngân hàng, sự hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng và những chính sách khác, thị trường bất động sản đã được vực dậy sau thời gian dài "ngủ đông". Lượng giao dịch tăng lên theo từng quý, chủ đầu tư ồ ạt bung hàng, kể cả sản phẩm bất động sản cao cấp cũng có mức tiêu thụ khả quan.
Tại thị trường Hà Nội, cuối tháng 11 này, Tập đoàn FLC sẽ mở bán căn hộ dự án FLC Twin Tower tại số 265 đường Cầu Giấy. Các căn hộ tại đây có diện tích từ 92 đến 125,8 m2, với mức giá từ 37 triệu đồng/m2. Ngoài ra, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC và Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) cũng vừa tung ra hơn 150 căn hộ chung cư PVV Vinapharm tại phố Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân). Căn hộ chung cư PVV - Vinapharm có diện tích từ 55 đến 97 m2, thiết kế theo phong cách Xin-ga-po, với mức giá từ 1,5 tỷ đồng/căn. Theo ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phân phối thành công khoảng 6.000 căn hộ, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước.
Qua thống kê, trong 11 tháng qua, đã có hàng chục nghìn căn hộ cao cấp được đưa ra thị trường, đến từ các dự án như: Vinhomes Times City giai đoạn 2, Goldmark City, Tràng An Complex, Sun Square, Eco Green City, Hà Nội Landmark 51, Imperia Garden, Discovery Complex… Theo báo cáo về thị trường bất động sản tháng 10 của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với những tháng đầu năm 2015. Cụ thể, tại Hà Nội có khoảng 1.650 giao dịch thành công, tăng khoảng 3% so với tháng 9 và tăng khoảng 32% so cùng kỳ năm 2014. Giá nhà ở trong tháng 10 vừa qua tương đối ổn định, duy chỉ có một số dự án tại các khu vực trung tâm, được triển khai đúng tiến độ thì giá chào bán mới có sự tăng nhẹ. "Một số dự án có vị trí tốt, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, tiến độ thi công nhanh, giá cao lên và chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá. Hiện, nhiều dự án bất động sản đã bắt đầu khởi công, từ đó dẫn đến lo ngại "bong bóng" bất động sản có thể diễn ra trong thời gian tới” - Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng cũng cho rằng, khó có thể xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản. Bộ trưởng phân tích, "bong bóng" bất động sản chỉ xảy ra khi hội đủ năm yếu tố chính: Thứ nhất, nền kinh tế phát triển không ổn định, phát triển nóng. Thứ hai, các thị trường khác hoạt động không ổn định, cho nên người ta sẽ dồn tiền vào thị trường bất động sản. Thứ ba, là nguồn cung bất động sản thiếu hoặc lệch pha cung cầu. Thứ tư, chính sách tài chính tín dụng bất động sản lỏng lẻo, chứng khoán hóa bất động sản, hạ chuẩn tín dụng bất động sản một cách dễ dàng. Thứ năm, thiếu sự kiểm soát và can thiệp kịp thời của Nhà nước trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng đặc biệt là quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản. Các yếu tố trên, đối chiếu với tình hình hiện nay thì khó có thể xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói, nhưng cũng phải nhìn nhận diễn biến của thị trường bất động sản rất phức tạp cho nên không thể chủ quan, cần phải chủ động để thị trường phát triển bền vững.
Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia phân tích thêm, mặc dù các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản, song dư nợ tín dụng vẫn ở mức an toàn (khoảng 17 đến 18%), trong khi mức tăng trưởng tín dụng hồi năm 2007, giai đoạn đỉnh điểm của "bong bóng" bất động sản lên đến 37,8%. Cùng với đó, khâu thẩm định điều kiện vay của các ngân hàng vẫn rất gắt gao, bởi bản thân các ngân hàng cũng rất thận trọng trong vấn đề này khi đã rút ra bài học đắt giá.
[Thị trường bất động sản 2016]-Khó có "bong bóng" [Thị trường bất động sản 2016]-Khó có "bong bóng" Reviewed by daitrannguyen on 2:37 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.